ISUZU D-MAX 2015 sự kết hợp hài hoà giữa tính hữu dụng của bán tải và tiện nghi

Với đặc điểm đã khá phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện tại, D-MAX sẽ thành công nếu tìm được cách thể hiện mình hợp lý trước những khách hàng tiềm năng!.

Ngay từ nhiều năm trước, Isuzu đã bắt đầu nhận ra sự phát triển của một phân khúc thị trường mới với những người dùng chuyển dần từ các dòng saloon sang với xe bán tải. Nhóm người dùng này, ban đầu tuy không quá đông, nhưng cũng khởi đầu một trào lưu mới hết sức đáng chú ý: sử dụng những chiếc bán tải như một phương tiện cá nhân hàng ngày nhằm tận dụng tính đa dụng cùng mức giá ưu đãi. Và dĩ nhiên, để đáp ứng thị hiếu này, những chiếc bán tải khô khan cũng cần thiết phải chuyển mình để sở hữu những đặc tính tưởng chừng chỉ là “độc quyền” trên nhiều dòng sedan – từ thiết kế cho tới các tiện nghi nội thất. Hệ quả của sự đón đầu này là ngay vào thời điểm được tung ra thị trường, chiếc D-MAX nhanh chóng chiếm vị trí một trong những mẫu xe có nội thất thoải mái và tiện nghi vào hàng đầu với ghế ngồi hết sức dễ chịu trong thị trường bán tải. Tuy nhiên tại Việt Nam vào lúc này, trong khi Ford Ranger và anh em song sinh Mazda BT-50 lại dẫn đầu thị trường về doanh số, D-MAX lại ít nhận được sự chú ý từ phía người tiêu dùng hơn. Mặc dù vậy, cộng đồng người yêu những chiếc xe của Isuzu lại thầm lặng lớn mạnh một cách đáng ngạc nhiên. Vậy điều gì đã tạo nên những hướng phát triển trái chiều như vậy?

Là một chiếc xe khá toàn diện về các tiêu chí, dường như D-MAX chỉ vấp phải những
khó khăn về truyền thông thay vì chất lượng trong việc tiếp cận khách hàng.

Bí ẩn nào đằng sau mối liên hệ D-MAX – Colorado!
Nếu bạn đã từng có lúc nào đó tìm hiểu về cái tên D-MAX, bạn hẳn sẽ nhận được những thông tin về việc nó có những mối liên hệ với Chevrolet Colorado. Đây là một thực tế mà nhiều người dùng hiện tại đang đặt câu hỏi khi đi sắm cho mình một chiếc xe mới. Dù cho điều này không hoàn toàn đúng ở mọi phương diện vào thời điểm bạn đọc bài viết này, thực tế không thể phủ nhận là hai chiếc xe – dù có nguồn gốc quốc gia dường như khác nhau – vẫn chia sẻ rất nhiều các điểm tương đồng. Nguyên nhân sâu xa của điều này chính nằm ở việc GM và Isuzu đã có một lịch sử khá lâu đời trong việc chia sẻ các mẫu xe bán tải – từ khoảng những năm 70 của thế kỉ trước khi GM lần đầu mua lại một số cổ phần của hãng xe Nhật Bản và sử dụng công ty con Holden nhập khẩu các sản phẩm từ Isuzu để bán ra dưới thương hiệu Chevrolet LUV (Light Utility Vehicle).

D-MAX 2015 là một trong những nỗ lực thể hiện mình đáng nể của
thương hiệu Isuzu khi bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tới năm 1980, những chiếc xe này đổi tên thành Holden Rodeo và trong suốt bốn thế hệ sau đó, chúng vẫn hoàn toàn do Isuzu trực tiếp sản xuất – đặc điểm giúp cho thương hiệu này thu thập được rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển công nghệ đặc thù của bán tải. Cho tới 2006, khi mối quan hệ giữa hai bên thực sự chấm dứt và Isuzu trở lại nắm quyền hoàn toàn, gần như hãng xe Nhật đã hoàn thiện hóa được những kinh nghiệm của mình trong phân khúc bán tải với đầy đủ các công nghệ cần thiết cả về động cơ, khung gầm và công nghệ. Tuy vậy, sự chia tay giữa hai thương hiệu xe cũng là một dấu mốc cho sự khởi đầu mới khi một dự án hợp tác phát triển động cơ dầu diesel chung được kí kết mới với tên gọi DMAX (cái tên tiền đề cho sự ra đời của những chiếc bán tải về sau này).

Thú vị hơn, mối quan hệ quá lâu với Chevrolet trước đó cũng khiến Isuzu luôn nỗ lực tìm kiếm nét cá tính riêng cho sản phẩm thế hệ mới của họ dựa trên những kinh nghiệm được xem là hàng đầu thế giới trong lĩnh vực động cơ dầu diesel và khung gầm các dòng xe thương mại – một trong những lý do khiến cho chiếc D-MAX luôn luôn sở hữu những món “lạ” so với mặt bằng chung (điển hình là việc tiên phong trong lối đi thân thiện với môi trường gia đình). Chính vì thế, dù ở Việt Nam vào lúc này sự tương đồng giữa hai mẫu xe vẫn còn tồn tại ở một mức nhất định, sự khác biệt về ngoại hình, động cơ và các tính năng đã dần phân hóa hai dòng xe này. Sự khác biệt sau mỗi năm cũng ngày càng nhiều hơn so với thời điểm “chia tay” của hai thương hiệu.

Isuzu đang có trong tay chiếc bán tải với nhiều nét mới đột phá so với
mặt bằng chung thị trường bán tải.

Trong bối cảnh đó, thế hệ D-MAX 2015 đang có mặt tại thị trường Việt Nam – và cũng là dòng xe mà chúng ta đề cập tới ở đây thuộc thế hệ thứ hai. Isuzu đã tạo ra cá tính riêng của mình với phần mũi xe mang cá tính mạnh mẽ, đèn pha vuốt ngược và lưới ca lăng có phần truyền thống – tạo nên dáng vẻ cứng cáp và rắn rỏi hơn hơn so với những gì đồng đội Mỹ chọn. Cũng ở đây, một điều ít ai biết là bản thân các nhà thiết kế của Isuzu đã tiến hành rất nhiều những thí nghiệm tại hầm gió của học viện nghiên cứu kĩ thuật đường sắt Nhật Bản (nơi phát triển những chiếc tàu điện siêu tốc Bullet Train Shikansen nổi danh của đất nước hoa anh đào) và đặc biệt hơn cả là studio thiết kế Pininfarina của Ý – cái nôi của hàng loạt thiết kế xe hiệu năng cao lừng danh (hãy nói Ferrari!).

Ít ai biết thiết kế ngoại hình D-MAX là thành quả phát triển với sự góp mặt của
studio Pininfarina lừng danh của Ý.

Đứng ở quan điểm cá nhân người viết bài này, D-MAX là chiếc bán tải
có ngoại hình bắt mắt vào bậc nhất thị trường hiện nay.

Bên cạnh sự khác biệt ngoại hình kể trên, từ thế hệ này, D-Max cũng tách biệt hơn đáng kể về vận hành do sử dụng động cơ và hệ truyền động của riêng Isuzu và những chi tiết này có thể thấy rất rõ ngay tại thị trường Việt Nam. Đây được xem là một phần hệ quả của những nâng cấp liên tục về tính năng và tiện nghi của Isuzu nhằm giúp chiếc xe phù hợp hơn với trào lưu bán tải hiện đại – vốn thiên về chất “đời thường” nhiều hơn là sự thực dụng thuần tuý trước đó.

Phần mũi xe khoẻ khắn được thiết kế dựa trên kiểu dáng truyền thông của xe bán tải
những cũng không thiếu các nét chấm phá mang tính hiện đại.

Phần đuôi nam tính với đèn hậu LED.

Xe được trang bị đèn pha với thấu kính, cụm đèn hậu LED
và gương gập điện với xi nhan tích hợp.

Khác biệt lộ diện ngay từ triết lý thiết kế mới
Thực tế, với những chiếc bán tải cabin kép thông dụng tại Việt Nam hiện nay, không phải chiếc xe nào cũng có thể đáp ứng tốt nhu cầu của một “chiếc sedan gầm cao” theo cách mà các nhà sản xuất đang tiếp cận và quảng bá sản phẩm của họ. Việc nổ lực đẩy mạnh tiện nghi khoang lái trong khi vẫn phải duy trì các đặc điểm của một chiếc bán tải thường tạo ra những mâu thuẫn khiến cho trải nghiệm của người ngồi bên trong khoang lái bị ảnh hưởng. Nếu bạn đã từng cảm thấy mệt mỏi vì phải chen chúc – dù là trước hay sau – trong một chiếc bán tải qua những hành trình dài thì điều thú vị là Isuzu D-Max lại… KHÔNG hề nằm trong số những chiếc xe có thể đem lại cho bạn những trải nghiệm nặng nề đến vậy! Thực tế, là một trong những xe chở phụ nữ và trẻ em trong suốt hành trình gần 2.000 km đường rừng núi của chuyến đi, sự ưu việt của chiếc xe thử nghiệm trong việc tạo ra những hành trình êm ái, hạn chế sự mệt mỏi và các ảnh hưởng tiêu cực được thể hiện rất rõ nét.

Đặc tính “SUV hoá” của khoang lái D-MAX thực sự giá trị nếu
bạn đồng hành của người lái không có sức khoẻ tốt hoặc là phụ nữ/trẻ em.

Từ đó, cũng không khó để nhận ra rằng chiếc bán tải đến từ Nhật Bản này lại là một trong những mẫu xe có thiết kế thân thiện với cuộc sống và những nhu cầu đời thường của người tiêu dùng nhất hiện nay – thứ mà bạn cũng có thể cảm nhận ngay khi cầm vào tay nắm cửa (D-Max là chiếc xe có vòm cửa vào hàng rộng nhất hiện tại nên rất thuận tiện cho việc ra vào). Thực tế, ngay từ khi được phát triển, thế hệ Isuzu hiện tại đã luôn có một tiêu chí được xem là “không bàn cãi” đối với các kĩ sư tham gia thiết kế, đó là cải thiện sự thoải mái cho người lái và hành khách song song với những nét ngoại hình năng động.

Kích thước mở rộng về mọi phía cùng cửa kính lớn hơn tạo
không gian hết sức thoáng đãng cho khoang lái của xe.

Biết được điều đó, bạn hẳn sẽ rất thích thú với những trải nghiệm cá nhân ngay khi tiếp xúc với D-MAX lần đầu bởi lẽ Isuzu đã cân bằng tương đối hợp lý sự rắn rỏi – cái chất của một chiếc bán tải – với những nét thiết kế tân thời, mềm mại mà người dùng phổ thông thường hướng tới. Nhờ thế, dù không sở hữu vẻ ngoài trau chuốt và có phần bóng bẩy như của Ford Ranger hay Navara NP300 mới, tính “thân thiện” trong thiết kế của D-Max đến từ sự giản dị đặc thù về mặt thiết kế cho tới cách bố trí các tính năng, tiện nghi thực sự thú vị.

Không khó để nhận ra cụm điều khiển trung tâm của xe
được chia sẻ với “đồng đội” Colorado.

Bên cạnh ghế được gia cố để đỡ cơ thể người ngồi một cách hiệu quả hơn trong các hành trình dài, một điển hình dễ thấy còn nằm ngay ở số lượng lớn các không gian chứa đồ – gần như ở mọi nơi – bên trong chiếc xe này. Trong đó, riêng khoang chứa găng tay có thể khoá lại để tạo tính riêng tư. D-max cũng có hốc đồ phía trên mặt táp lô nhưng có lẽ nếu như nhà sản xuất bố trí thêm một cổng sạc 12v ở đây (tương tự như Navara NP300), hẳn tính tiện dụng chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể!.

Một nét thiết kế mang chút gì đó pha trộn giữa “chất tải” bền bỉ của Isuzu
với những tính năng xe thương mại tân thời.

Tính thực dụng trong nội thất của D-max còn thể hiện ở cách mà Isuzu chọn vật liệu ghế khá sạch sẽ và dễ vệ sinh sau mỗi chuyến đi. Tương tự như vậy, cách thiết kế đệm ghế lái và bố trí vô lăng cũng tạo ra tư thế lái tốt. Tuy khi so với một số dòng bán tải khác, vị trí tài xế có phần hơi thấp – ngay cả khi bạn chỉnh mức ghế cao nhất có thể – nhưng điều đó là ưu hay nhược còn tuỳ vào thói quen sử dụng của từng người.

Thiết kế đồng hồ trung tâm giản dị nhưng trực quan vừa đủ dùng.

Thực tế, bề mặt nhựa gần như trơn nhẵn của xe cũng gây ra nhiều tranh cãi bởi dù chúng rất tiện cho việc vệ sinh, thực tế dấu vân tay nhanh chóng khiến cho nội thất của D-max trở nên khá lem nhem đồng thời làm mất tính “sang” mà bất cứ người dùng hiện đại nào cũng muốn thấy trên chiếc xe của họ – dù đó là một chiếc bán tải. Dĩ nhiên, nếu bạn là người ưa tạo ra một không gian xe của riêng mình, việc phủ các lớp vật liệu mềm, bọc da hay dán vân bề mặt, phủ vật liệu mềm lên khu vực này đều có thể được thực hiện khá dễ dàng. Ở đây, cũng không thể phủ nhận một điểm mạnh là Isuzu gia cố các chi tiết nhựa trong xe rất tốt. Trong suốt hành trình qua nhiều loại địa hình khác nhau, xe không hề có hiện tượng kẽo kẹt ở bất kì chi tiết nào.

Phiên bản xe thử nghiệm là D-MAX LS hai cầu với hộp số sàn 5 cấp.

Trong khi đó, sự thân thiện về thiết kế của xe thể hiện thậm chí còn rõ nét hơn khi xem xét hàng ghế thứ hai – nơi vốn được cho là công cụ “hành xác” của những chiếc bán tải đối với những người ngồi trên. Isuzu đã làm gì để khắc phục điều này? Trước tiên, đó là việc mở rộng vòm cửa và góc mở cửa tạo ra một lối vào thoáng đãng, dễ chịu hơn rất nhiều các dòng bán tải khác đang có mặt trên thị trường hiện nay. Kế đến, một khi đã ngồi vào vị trí, bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn bởi đây là một trong số ít những chiếc bán tải có hàng ghế phía sau tạo cảm giác thân thuộc như một chiếc xe du lịch – cả về không gian lẫn tư thế ngồi nhờ được ngả thêm 24 độ về phía sau.

Phiên bản thử nghiệm được trang bị đầu đĩa với màn hình cảm ứng (hỗ trợ iPod, AUX, USB),
điều hoà tự động, kết nối Bluetooth, phím khiển vô lăng, khoá cửa tự động (tại 20km/giờ)…

Không gian mở rộng cho hàng ghế sau một phần đến từ việc kích thước của D-Max là khá dài so với mặt bằng chung (5.295mm với trục cơ sở 3.095 mm) vượt trội hơn hẳn so với Triton (chỉ 5.215mm/3.000mm) và có lẽ chỉ xếp sau Ranger (5.351mm/3.220mm). Ngay cả bề ngang và chiều cao của xe cũng lớn hơn so với đối thủ đồng hương – tương ứng 1.860mm so với 1.800mm (rộng) và 1.795mm so với 1.780mm (cao). Thùng xe của Triton dài 1.325mm – ngắn hơn so với mức 1.485mm của D-Max. Các số liệu này của một số xe khác trên thị trường có thể điểm tới như Hilux (5.255 x 1.835 x 1.810mm / trục cơ sở 3.085mm/ thùng xe 1.520mm), Navara NP300 (5.255×1.850×1.810 / trục cơ sở 3.150mm / thùng xe 1.503mm)…. Nhà sản xuất cho biết hàng ghế sau có thể gập lại (60/40) khi cần để mở ra khoang chứa đồ – vốn cũng là một tính năng ít thấy trên xe bán tải.

Thay vì tẩu sạc 12V như trên Colorado, Isuzu lại
trang bị hộc để cốc kép tại vị trí này trên xe của mình.

Một trong những điểm trừ có thể kể tới ở đây là sự ồn ào của khoang lái phần lớn lại đến từ hệ thống truyền động với động cơ sử dụng tỉ số nén cao thay vì mặt đường. Nói cách khác, dù được cách âm rất tốt và thể hiện xuất sắc khả năng cách âm ở tốc độ cao (trung bình 80km/giờ), tiếng vọng của máy ở ngưỡng chạy tốc độ thấp (dưới 50km/giờ) lại khá rõ. Đặc điểm này có thể khiến những chuyến đi trong phố đông trở nên kém thoải mái hơn. Bù lại, sự nhẹ nhàng của bàn đạp và vô lăng chính xác sẽ giúp giảm nhẹ những gánh nặng đặc thù của việc điều khiển một chiếc xe bán tải trong những tình huống như vậy. Thậm chí, sự linh hoạt rõ nét này tốt hơn nhiều dòng xe khác trên thị trường hiện nay.

Rời khỏi mặt đường nhựa, điều tạo ra sự khác biệt thực sự của D-MAX trước
các đối thủ trong phân khúc sẽ xuất hiện!

Trong suốt hành trình tham gia “Sưởi Ấm BẢn Cao”, nhóm thử nghiệm đã có dịp trải nghiệm không gian khoang lái của D-MAX ở nhiều địa hình và điều kiện vận hành khác nhau. Trên cung đường nhựa, chiếc xe đáp ứng gần như hoàn hảo mọi tình huống (dĩ nhiên là xét trên phương diện một chiếc bán tải) – kể cả ở các thao tác vào cua và tăng tốc/dừng. Tuy nhiên, nét nổi bật thực sự của xe thể hiện xuất sắc khi bạn bắt đầu rời những cung đường bằng phẳng và tiến vào các đoạn đường xấu – dù chưa tới mức “off-road” thực sự. Có thể nói, đây là chiếc xe có khoang lái vào dạng tốt nhất phân khúc. Hệ thống treo của xe triệt tiêu hoàn hảo những nếp gấp mặt đường nhựa chưa hoàn thiện hay đường đất mà nếu ở một số mẫu xe khác, có lẽ sẽ khiến bạn đụng đầu vào trần hoặc dạ dày tưởng chừng… lộn ngược lên trên. Thậm chí, việc vượt qua các đoạn đường chật hẹp đầy ổ gà, bờ bụi cũng hoàn toàn dễ chịu cho người ngồi bên trong xe – kể cả ở hàng ghế thứ hai. Thực tế, những địa hình này dường như là “đặc sản” trong suốt chuyến hành trình Bản Cao của Otofun và nếu nhìn vào tình trạng “đội hình” trên một số xe khác đi cùng, việc được cưỡi trên D-MAX dường như đã trở thành một ưu đãi thực sự.
Trong suốt chuyến đi, những người trên xe (cả phụ nữ và trẻ em) đều không bị
hiện tượng say hay mệt mỏi do rung lắc – bất chấp địa hình di chuyển cực kì phức tạp.

Nét cá tính thể hiện qua năng lực chinh phục mọi cung đường
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng nếu chỉ xét riêng việc cầm lái, D-MAX đem tới trải nghiệm bên trong khoang giống một chiếc SUV nhiều hơn đáng kể là một chiếc bán tải thông thường. Đây là điều dễ lý giải bởi lẽ nền tảng i-GRIP (Isuzu Gravity Response Intelligent Platform) đằng sau D-Max mới được thiết kế với tiêu chí nằm ở độ cứng tổng thể (thêm 42% so với thế hệ cũ) và bổ sung gia cố khung giằng chéo phía sau rất đáng kể. Nhờ thế, dù có trục cơ sở lớn trong khi khoảng cách giữa hai bánh nhỏ hơn nhiều mẫu xe khác, D-Max vẫn duy trì được sự ổn định thân xe đủ tốt.

Bố trí tiện ích lái trên phiên bản D-MAX 2015 mới nhất.

Nếu so sánh đơn thuần các thông số kĩ thuật, D-Max sở hữu khả năng tải tốt thứ hai trong phân khúc, sàn thùng thấp nhất và sức kéo lớn nhất – tới 3.500kg. Điều này khiến cho nó dường như là một mẫu xe có năng lực phục vụ công việc rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc sở hữu khoảng cách giữa hai bánh hẹp sẽ phần nào giới hạn tính linh hoạt của xe khi vận hành ở tốc độ cao.

Những tiêu chí tối ưu hoá về độ bám đường, tính ổn định thân xe và độ cứng khung gầm
trong khâu thiết kế của xe thể hiện rõ nét trong vận hành thực tế.

Hơn thế nữa, việc bám sát hai tiêu chí chính (gồm độ bám đường và tính ổn định độc lập trong nhiều điều kiện tải trọng khác nhau) trong suốt quá trình phát triển hệ truyền động đã buộc các kĩ sư Isuzu phải đưa ra được những phát kiến hết sức thú vị. Chúng ta có thể điểm tới một số trong đó như việc tính toán đặt động cơ rất thông minh ngay sát sau bánh trước (thay vì trên như thông thường), những tinh chỉnh trong hệ thống treo (mà Isuzu gọi là Flex-Ride). Tất cả chúng đều góp phần rất lớn vào cảm giác lái linh hoạt, chính xác của chiếc xe này. Thực tế, dù chỉ ngắn hơn vài cm, có thể khẳng định rằng bản thân D-Max cũng đem đến những trải nghiệm lái linh hoạt hơn nhiều so với anh em Colorado của nó. Tuy nhiên, dù sử dụng nhíp sau với độ bền cao, xe lại sử dụng càng A kép cho hệ thống treo trước (tương tự như trên Nissan Navara NP300 mới) – một con dao hai lưỡi đối với nhu cầu vượt địa hình. Lý do là bởi trong khi thiết kế này rất tuyệt khi đem tới cảm giác chính xác của tay lái và độ êm ái của xe thì nó lại đồng thời tạo ra giới hạn đối với sự linh hoạt của giảm xóc – điều chắc chắn sẽ không khiến các tay chơi Off-road thích thú gì.

Sự linh hoạt, độ chính xác đến từ hệ thống lái và càng A kép bánh trước
tạo ra sự tự tin lớn cho tài xế D-MAX trên các cung đường đèo dốc như thế này.

Ngay khi tiến vào những đoạn được gồ ghề đầu tiên, hệ thống giảm xóc mềm mại hơn trên D-MAX sẽ có thể cảm nhận được ngay cả khi bạn không chở gì nặng ở thùng sau. Tuy nhiên, chỉ cần đặt lên khoảng vài trăm kg hàng hoá ở đó, sự xuất hiện của hiện tượng rê đuôi và lò xo sau tụt thấp nhanh chóng sẽ xuất hiện. Điều này hiển nhiên sẽ ảnh hưởng chút ít tới cảm giác lái của xe nhưng nhìn chung không tạo ra tác động tiêu cực đối với độ an toàn và vận hành nói chung – miễn là bạn chấp nhận vào cua chậm hơn các “đối thủ” trên đường chút ít.

Hệ thống treo mềm tạo ra những khác biệt đặc trưng khi chịu tải giữa D-MAX
và các đối thủ – dù đây không phải vấn đề lớn với nhu cầu phổ thông.

Như thế, nhìn một cách tổng quan, D-Max rõ ràng có lợi thế nếu đặt vào bối cảnh của những chiếc bán tải hiện đại – vốn không quá đề cao khả năng tải hàng. Trong khi đó, đây cũng là lợi thế về thị hiếu khi phần lớn người mua vào lúc này đều tìm tới sự tiện dụng của những chiếc xe cùng một số trải nghiệm Off-road thay vì nhu cầu vận tải chuyên dụng thực sự nào đó. Với khoảng sáng gầm 225mm, thông số góc thoát, góc quay đều tốt. Điểm yếu duy nhất có lẽ là ở khả năng lội nước có phần khiêm tốn hơn các đối thủ: chỉ 500mm so với mức 600mm của Navara hay 800mm của Ranger. Tầm nhìn từ vị trí ra xung quanh trên D-max đủ thoáng đãng để xoay xở trong mọi tình huống trong khi sự hiện diện của camera lùi tích hợp sẵn hiển nhiên cũng là một lợi thế.

Hệ thống dẫn động 4WD của D-MAX vẫn
được chia sẻ chung với Chevrolet Colorado.

Bên cạnh đó, như một điều hiển nhiên, năng lực vượt địa hình của xe được “đảm bảo” bởi hệ thống dẫn động 4WD với khoá điều khiển điện tử cho phép chuyển chế độ ở tốc độ lên tới 100km/giờ, dù vây, sự thiếu hụt của khoá vi sai cầu sau lại khiến nhiều fan hâm mộ phải nuối tiếc. Bù lại, khoảng sáng gầm 225mm là khá tốt so với mặt bằng chung trong khi gương gập điện sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều khi cần lách qua các đoạn đường chật hẹp nhiều cây cối um tùm.

Núm chỉnh diện gài cầu “Terrain Command” nằm ở vị trí trung tâm với kích thước lớn,
rất thuận tiện cho tình huống cần thao tác nhanh.

Trong khi đó, động cơ cũng lại là yếu tố gây ra một số tranh cãi trên chiếc xe mới. Trong khi Isuzu luôn đề cao khả năng tiết kiệm nhiên liệu và tính hiệu quả của máy dầu 4JK1-TC với cơ cấu tăng áp biến thiên trên thế hệ D-MAX 2015 thì việc cắt giảm dung tích từ 3.0L trước kia xuống chỉ còn 2.5L lại khiến nhiều dấu hỏi từ phía người tiêu dùng được đặt ra. Ngay trên giấy tờ, con số mô men xoắn chỉ ở mức 320 Nm của xe (so với 380 Nm trước kia) chắc chắn không khỏi khiến nhiều khách hàng tiềm năng phải ngần ngại bởi lẽ nó gần như… thấp nhất trong phân khúc vào lúc này – rất khiêm tốn khi đặt cạnh con số 350 Nm của Hilux hay 343 Nm của Triton chứ chưa kể tới Colorado 2.8L (500Nm), Ford Ranger 2.2L (375 Nm) hay Mazda BT-50 3.2L (470Nm).

Đoạn clip những trải nghiệm trên một chiếc D-MAX 2015
trong hành trình “Sưởi Ấm Bản Cao” do một số thành viên diễn đàn ghi lại.

Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng bạn sẽ không thể nhận thấy sự khác biệt này nếu chỉ cầm lái chiếc xe. Bí quyết phía sau thực tế này chính là việc trọng lượng riêng của D-MAX thực sự thấp. Kể cả với phiên bản LS cabin kép (4×4, số sàn, máy 2.5L) nặng 1.905kg, xe vẫn nhẹ hơn 120kg so với Ford Ranger XLT 2.2L (2.029kg) tương đương cấu hình. Với phiên bản số tự động, mức chênh lệch lên tới gần 150kg. Trong khi đó, động cơ mới của Isuzu lại đặc biệt linh hoạt và được tối ưu hoá rất nhiều so với trước đây – thể hiện được kinh nghiệm lâu của một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về phát triển động cơ dầu diesel. Việc đạt được mô men xoắn cực đại ngay từ tua máy 1.800 vòng/phút (tới 2.800 vòng/phút) song hành cùng khả năng đáp ứng linh hoạt của động cơ trong các tình huống đòi hỏi xử lý nhanh giúp xe không bị hụt lực đẩy – đôi khi có thể khá nguy hiểm. Thiết lập hộp số cho nước ga đầu của xe là khá tốt (vọt qua địa hình hiệu quả) nhưng khoảng cách giữa cấp 1 và 2 khá lớn khiến cho việc tăng tốc trơn tru đôi khi trở nên khó khăn nếu người lái chưa thực sự quen xe. Nhờ thế, nhìn chung bạn luôn có đủ mức mô men xoắn mỗi khi cần.

Sự linh hoạt của động cơ mới và trọng lượng nhẹ của xe
luôn đảm bảo bạn có đủ sức tiến trong bất kì tình huống nào.

Thêm vào đó, việc bố trí chân côn có phần cao hơn mặt bằng chung cũng có thể khiến những tay lái non kinh nghiệm cảm thấy khó khăn trong việc làm chủ sức mạnh của xe. Dĩ nhiên, một khi đã thuần thục mọi thao tác, việc đưa D-MAX vượt qua các cung đường phức tạp lại trở thành chuyện nhỏ!. Đáng chú ý, dù tỉ số của cơ cấu lái khá lớn so với mặt bằng chung dòng xe bán tải – gần tương đương với Mitsubishi Triton trong – khi sở hữu thanh răng lái chậm, tay lái của D-max cực kì ổn định và không nảy quá nhiều khi xe vượt chướng ngại vật, hay văng lên khỏi mặt đường. Điều này đảm bảo sự dễ chịu cũng như khả năng làm chủ vô lăng cho người lái.

Trong suốt chuyến đi, dù không đem lại những cú nhấn ga ấn tượng,
chiếc xe không hề thiếu lực khi vượt địa hình xấu hay tụt lại phía sau khi bám đoàn trên cao tốc.

Bên cạnh đó, hiển nhiên nếu bạn thuộc tuýp người lái có hứng thú đặc biệt đối với độ bốc xe sau mỗi cú nhấn ga, có thể khẳng định rằng D-Max không phải chiếc xe dành cho bạn. Thay vào đó, anh em Colorado của nó sẽ là phù hợp hơn (hoặc Ford Ranger). Ngược lại, D-Max là chiếc xe lý tưởng dành cho những người ưa tính hiệu quả trong vận hành của phương tiện thuộc sở hữu của mình. Khả năng tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả của xe cùng thiết lập hộp số, cơ cấu lái sẽ đảm bảo những hành trình “xanh và hiệu quả” thay vì những phút bốc đồng trên phố. Thử nghiệm thực tế với xe chở bốn người và khoảng ~100kg hàng trên cung đường từ Hà Giang về thành phố Tuyên Quang cho mức tiêu thụ khoảng 7,1 lít dầu /100km (khi chạy ổn định ở tốc độ 80km/giờ, con số này chỉ khoảng 6,8 lít/100km). Hiển nhiên, nếu Isuzu sử dụng hộp số sàn 6 cấp, mức tiêu thụ nhiên liệu có thể sẽ còn tốt hơn nữa.
Thử nghiệm nhiên liệu với xe chở 4 người cùng khoảng ~100kg
hàng ở thùng sau trên cung đường từ Hà Giang về Tuyên Quang cho kết quả tốt.

Một vấn đề đáng lưu ý khác cũng nằm ở phanh xe – tiềm ẩn “phiền toái” với những người mới lái. Tương tự như với chân côn, khoảng hành trình rỗi quá nhiều khiến cho việc cảm nhận lực phanh trở nên thiếu chính xác. Nói cách khác, bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian trước khi làm chủ được cảm giác phanh để thực sự có những cú dừng đủ êm ái cho những người ngồi chung trong khoang hoặc tự tin trong việc căn khoảng cách khi di chuyển trong phố mỗi ngày.

Một chiếc D-MAX độ “tới bến” của thành viên Otofun
tham gia hành trình “Sưởi Ấm Bản Cao”.

Sản phẩm đủ tốt, vì sao vẫn khó lọt mắt xanh người dùng?
Như đã đề cập tới ở phần đầu bài viết, dù không phải là cái tên có thế mạnh trên thị trường ngay vào lúc này, D-MAX lại không hề lạ lẫm với những người yêu xe – đặc biệt là trong cộng đồng Otofun. Chi hội D-MAX cũng là một trong những nhóm người dùng có quy mô lớn với nhiều hoạt động có ý nghĩa cả về kĩ thuật lẫn xã hội trong những năm qua. Những điều này hẳn không thể xảy ra một cách tự nhiên mà phải có những lý do xác đáng xuất phát từ tình yêu và những trải nghiệm trên mỗi chiếc D-MAX mà các thành viên sở hữu. Thực tế, rõ ràng không thể phủ nhận D-MAX là một chiếc xe tốt – bất chấp thế yếu về thị hiếu của nó trước các đối thủ và thậm chí trên thế hệ 2015, chiếc xe hoàn toàn có thể tự tin trong việc chiếm lĩnh thị phần của riêng mình khi sở hữu cấu hình khá đầy đủ và mức giá rất cạnh tranh so với mặt bằng chung (khởi điểm từ 590 triệu VNĐ cho mẫu LS 4×2 số sàn cho tới cao nhất chỉ 761 triệu VNĐ cho mẫu X-MOTION 4×4 số tự động). Như vậy, dường như rào cản lớn nhất vào lúc này có lẽ chính là sức hút chưa lớn của cái tên Isuzu đối với người tiêu dùng phổ thông – vốn thường có xu hướng nhắm vào các thương hiệu xe du lịch phổ biến hơn.

Với đặc điểm đã khá phù hợp thị hiếu tiêu dùng hiện tại, D-MAX sẽ thành công nếu tìm được cách thể hiện mình hợp lý trước những khách hàng tiềm năng!.

Nói cách khác, trong cuộc chơi bán tải hiện đại, D-MAX với phiên bản 2015 và những cải tiến mới của nó đã bắt đầu thể hiện được giá trị sắc sảo mà người dùng mong đợi. Trên thị trường vào lúc này, chúng ta dễ dàng nhận thấy một bên là những nhu cầu mua bán tải để sử dụng như xe du lịch hàng ngày và một bên là mua xe để cho những nhu cầu “tải” thực thụ. Sự thông minh của D-MAX chính là việc nó xuất hiện đúng ở quãng giữa – nơi tập trung số đông những người tiêu dùng đang tìm kiếm một chiếc bán tải cho cuộc sống hàng ngày thay vì công việc. Cùng với những trải nghiệm lái đủ tốt và khả năng vận hành bền bỉ, đây, có thể khẳng định rằng D-Max là một lựa chọn bán tải khó có thể bỏ qua nếu bạn đang muốn tìm cho mình một chiếc xe “ngon, bổ, rẻ” cho cuộc sống hàng ngày. Nói cách khác, nó thừa đủ sức đem lại những hành trình thú vị với nội thất tiện nghi trong khi vẫn đảm bảo sự tự tin cho người cầm lái về khả năng chinh phục những địa hình phức tạp nhằm có được những trải nghiệm “tới bến” cho mọi chuyến đi!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *